Dưới thời Đường Thái Tông Lý Tĩnh (nhà Đường)

Diệt Đông Đột Quyết

Vào năm Trinh Quán thứ 3 (629), lúc này nội bộ Đông Đột Quyết đang bất ổn, Hiệt Lợi Khả hãn đang tấn công cháu của mình là Đột Lợi Khả hãn. Đường Thái Tông hạ lệnh cho Lý Tĩnh làm Đại tướng quân, cùng với Lý Thế Tích, Sài ThiệuTiết Vạn Triệt đem 10 vạn đại quân đi đánh Đột Quyết. Lý Tĩnh phát động tấn công một cách bất ngờ, dùng 3,000 kỵ binh xuất phát từ Mã Ấp xuyên qua đỉnh Ác Dương, đánh bại quân Đột Quyết, chiếm lấy được Định Tương. Hiệt Lợi hoảng sợ phải bỏ chạy đến Tích Khẩu. Lý Tĩnh bí mật sai sứ giả đến khuyên bộ thuộc của Hiệt Lợi đầu hàng. Một bộ thuộc của Hiệt Lợi bí mật bắt cóc Tiêu hoàng hậu - vợ Tùy Dạng đế và cháu trai bà là Dương Chính Đạo, vốn được người Đột Quyết lập làm Tùy vương, dâng cho Lý Tĩnh.

Hiệt Lợi gửi sứ giả đến chầu Thái Tông, xin được quy thuận và nộp cống cho nhà Đường nhưng vẫn mưu tính bỏ chạy xa hơn với quân đội của mình. Thái Tông sai Đường Kiệm làm sứ đáp trả lại Hiệt Lợi, nhưng lại gửi thư ra lệnh cho Lý Tĩnh phải hộ tống Hiệt Lợi đến Trường An. Lý Tĩnh đọc thư và nhận ra lệnh của Thái Tông là tấn công Hiệt Lợi, sau đó ông đã cho quân kết hợp với quân của Lý Thế Tích và tấn công Hiệt Lợi. Quân Đường đánh bại và bắt tù binh hầu hết lực lượng của Hiệt Lợi, giết được vợ của Hiệt Lợi là công chúa Nghĩa Thành nhà Tùy. Hiệt Lợi bỏ chạy xa hơn, nhưng bị tướng Đường là Trương Bảo Tương bắt được. Quý tộc Đông Đột Quyết đều ra hàng nhà Đường.

Để vinh danh chiến thắng của Lý Tĩnh, Thái Tông ra lệnh đại xá thiên hạ và cho tổ chức ăn uống vui chơi 5 ngày, còn Lý Tĩnh được phong là Đại quốc công (代國公). Vào năm Trinh Quán thứ 4 (630), Lý Tịnh được phong làm Thượng thư Phó xạ, đứng đầu Thượng thư tỉnh.

Diệt Thổ Cốc Hồn

Tháng 4 năm Trinh Quán thứ 9 (635), mặc dù đã ngoài 60 và muốn lui về ở ẩn, nhưng biên cương phía Bắc Đại Đường, quân Thổ Cốc Hồn của Mộ Dung Phục Doãn (慕容伏允) lại xâm lấn, cướp phá, Đường Thái Tông vẫn mời và phong chức ông Đại Tổng quản hành quân Tây Hải đạo, thống soái cả năm đạo binh do các tướng Đạo Tông, Hầu Quân Tập, Lý Đại Lượng, Lý Đạo Ngạn, Cao Tăng Sinh để tiến đánh Thổ Cốc Hồn.

Quân Đường ban đầu đánh thắng quân Thổ Cốc Hồn mấy trận. Quân Thổ Cốc Hồn đáp trả bằng cách đốt hết cỏ ở bãi chăn thả nhằm cắt nguồn lương thực cho ngựa của quân Đường, các tướng Đường thấy thế ai cũng bàn lùi. Duy nhất chỉ có Hầu Quân Tập xin đánh và được Lý Tĩnh đồng ý. Quân Thổ Cốc Hồn ỷ có núi tuyết cao che sau lưng nên không sợ quân Đường. Lý Tĩnh sai bỏ ngựa, cho quân lính đi bộ mấy ngày liên tiếp vượt cả trăm dặm, leo lên núi vòng ra phía sau quân Thổ Cốc Hồn mà tập kích. Quân Thổ Cốc Hồn không phòng bị nên bị đánh tan tác, Lý Tĩnh bắt được thê thiếp và con cái của Mộ Dung Phục Doãn. Mộ Dung Phục Doãn bị bộ tướng của mình giết chết. Con trai của Mộ Dung Phục Doãn là Mộ Dung Thuận đầu hàng quân Đường và được Thái Tông đưa lên thay làm Khả hãn. Phần lớn quân Đường được rút về, chỉ để Lý Đại Lượng ở lại trấn thủ.

Trọn vẹn đến cuối đời

Khi đánh Đông Đột Quyết về, Lý Tĩnh bị Tiêu Vũ đàn hặc đã thả quân cướp bóc kho tàng của người Đột Quyết. Thái Tông phải khiển trách Lý Tĩnh, nhưng vẫn gia tăng cho Lý Tĩnh thực ấp và thưởng cho tơ lụa. Sau đó, hối hận vì đã khiển trách Lý Tĩnh, Thái Tông đã nói: "Trước đây có kẻ nói xấu hãm hại ái khanh. Nay Trẫm đã rõ, ái khanh đừng để trong lòng" và thưởng thêm vàng lụa cho Lý Tĩnh. Khi nhậm chức Thượng thư Phó xạ trong Thượng thư tỉnh, Lý Tĩnh đặc biệt kiệm lời khi bàn việc với các Thượng thư khác, một phẩm chất được xem là hiếm có. Tuy nhiên, có một lời giải thích chính đáng hơn là Thái Tông không tin các thần tử của mình, đặc biệt là võ tướng và Lý Tĩnh biết rõ điều đó. Ông cố gắng hạ thấp mình để tránh bị nhà vua nghi kị.

Năm Trinh Quán thứ 8 (634), Thái Tông muốn cử một số khâm sai đi các đạo khắp cả nước để dò xét dân tình, kiểm tra các quan, giúp đỡ dân nghèo và tìm kiếm nhân tài. Lý Tĩnh tiến cử Ngụy Trưng, nhưng Thái Tông muốn giữ Ngụy Trưng bên người để chỉ ra sai sót của bản thân nên đã sai Lý Tĩnh và 12 quan viên khác đi dò xét các đạo. Sau chuyến đi này, Lý Tĩnh viện cớ có tật ở chân xin được về nhà dưỡng lão. Thái Tông đồng ý, nhưng vẫn cho Lý Tĩnh giữ lại chức vụ và ra lệnh khi Lý Tĩnh khỏe lên thì phải đến Môn hạ tỉnh để thay thế chức vụ Thượng thư.

Trong chiến dịch Thổ Cốc Hồn, Lý Tĩnh có lần đã khiển trách Cao Tăng Sinh. Họ Cao bất mãn với Lý Tĩnh, mật mưu cùng với Đường Phong Nghị vu cho Lý Tĩnh mưu phản. Tuy nhiên Lý Tĩnh được chứng minh trong sạch và Cao Tăng Sinh với Đường Phong Nghị phải chịu tội vu cáo đại thần, bị phạt đi đày mặc dù Cao Tăng Sinh đã có công trong Sự biến cửa Huyền Vũ. Tuy nhiên kể từ đây, Lý Tĩnh đóng cửa từ chối tiếp khách, thậm chí chẳng mấy khi gặp họ hàng.

Năm Trinh Quán thứ 11 (637), Thái Tông muốn phân phong đất đai cho tôn thất và công thần làm đất ăn lộc mãi mãi, tước vị của Lý Tĩnh được đổi thành Vệ quốc công (衛國公). Tuy nhiên Trưởng Tôn Vô Kỵ phản đối việc phân phong đất đai, Thái Tông phải thôi nhưng tước vị của Lý Tĩnh không thay đổi. Năm thứ 17 (643), Thái Tông cho xây dựng Lăng Yên các để vinh danh 24 vị công thần khai quốc của Đại Đường, Lý Tĩnh nằm trong số 24 vị đó.

Năm Trinh Quán thứ 18 (644), Thái Tông muốn đánh Cao Câu Ly nên đã triệu Lý Tĩnh để hỏi ý. Vua hỏi: "Quốc công trước đã bình định nước Ngô ở phía nam, sau lại quét sạch mạc bắc, dẹp họ Mộ Dung ở phía tây, nay chỉ còn Cao Câu Ly ở phía đông không thần phục. Không biết ý quốc công thế nào?".

Lý Tĩnh trả lời: "Thần trước đây nhờ vào ơn của tiên đế với thánh thượng mới lập được một chút công lao. Hiện nay thần đã già, xương cốt đã rệu rã nhưng nếu thánh thượng không chê, thần tuy có bệnh nhưng nguyện dắt ngựa đi đầu". Thái Tông thấy Lý Tĩnh bị bệnh nên quyết định để ông ở nhà, tự mình thân chinh lãnh đạo một cuộc viễn chinh không thành công đánh Cao Câu Ly vào năm sau (645).

Năm Trinh Quán 23 (649), Lý Tĩnh qua đời, chỉ vài tháng trước khi Thái Tông băng hà. Lý Tĩnh được chôn cất rất long trọng và mộ của ông nằm cạnh lăng Thái Tông ở Chiêu lăng. Thụy hiệuCảnh Vũ (景武).